Có thể nộp bảo hiểm xã hội 1 lần để được hưởng lưu hưu?

30/09/2016 - Lượt xem: 812
1 bầu chọn / điểm trung bình: 5
Gần đây trên báo Lao động nhận được thư thắc mắc của người lao động tại Đà Nẵng về việc nộp 1 lần đủ số tiền phải đóng cho bảo hiểm xã hội trong vòng 20 năm với mong muốn được nhận lương hưu khi chưa đủ tuổi quy định của Nhà nước.

Chắc hẳn câu hỏi này sẽ được nhiều người lao động quan tâm, vậy nên chúng tôi xin trích đăng lại bài báo Lao động để giới thiệu cùng các bạn có chung mối quan tâm.

Nội dung câu hỏi như sau:

Tôi đã tham gia BHXH bắt buộc được 12 năm 6 tháng. Nay vì lý do sức khoẻ tôi đã xin nghỉ việc; muốn chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện và đóng một lần đủ 20 năm, để hưởng lương hưu có được không?

Và đã được ban biên tập báo Lao động phúc đáp cụ thể như sau:

“Vấn đề này mới đây được đề cập tại Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định về BHXH tự nguyện. Theo đó, từ 4.4.2016, lao động tham gia BHXH đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm (BH) thiếu không quá 10 năm, thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Chính sách này chỉ áp dụng cho công dân từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BH bắt buộc.

Người tham gia có thể lựa chọn các phương thức đóng: Đóng hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần. Riêng với nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi đủ tuổi về hưu, nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Mức đóng hằng tháng được quy định bằng 22% thu nhập do người tham gia tự lựa chọn. Về thời điểm hưởng lương hưu, người tham gia BH tự nguyện được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề, sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu. Trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà vẫn tiếp tục đóng BH tự nguyện, thì thời điểm hưởng lương hưu là tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Trong trường hợp NLĐ dừng tham gia BH tự nguyện và chuyển sang BH bắt buộc, hưởng BH một lần, qua đời hoặc tòa tuyên án đã chết thì sẽ được trả lại số tiền đã đóng trước đó. Tiền hoàn trả bằng tiền nhà nước đã hỗ trợ đóng BH xã hội đối với người tham gia BH tự nguyện. Ngoài ra, từ ngày 1.1.2018, nếu người đóng BH tự nguyện là hộ nghèo (có xác nhận của địa phương), Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% tiền đóng bảo hiểm tự nguyện, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho đối tượng khác. Như vậy, mức hỗ trợ cho người đóng BH tự nguyện từ 2018 – 2020 cụ thể là: 46.200 đồng/tháng với hộ nghèo, 38.500 đồng/tháng với cận nghèo và 15.400 đồng/tháng với đối tượng khác. Người lao động có thể đến các đại lý thu BH tự nguyện tại bưu điện quận, huyện để được hướng dẫn làm thủ tục đóng BH một lần. Trong một số trường hợp, do tính chất công việc, đơn vị không đóng BHXH cho NLĐ, thì theo khoản 3, Điều 3 Luật BHXH, NLĐ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình với điều kiện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.”

Nguồn: Báo Lao Động

Chia sẻ
Share
0966002638