Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến tới dịch vụ công cấp 3,4

09/10/2016 - Lượt xem: 578
1 bầu chọn / điểm trung bình: 5
Những năm gần đây, chính sách chung của Nhà nước đang thay đổi để cải cách dịch vụ hành chính công nhằm giúp người dân thuận lợi và nhanh chóng nhận được kết quả với các thủ tục hành chính.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, gấp rút hoàn thành cổng thông tin điện tử ngành Bảo hiểm xã hội để có thể cung cấp các dịch vụ hành chính công cấp 3, cấp 4 trên một cổng thông tin duy nhất.

(Ảnh minh họa: Internet)

Dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4 là gì?

Mô hình dịch vụ hành chính công là thuật ngữ nó chung đã được nêu trong Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 về việc xây dựng chính phủ điện tử, 4 cấp độ đó được nêu như sau:

Mức độ 1: cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.

Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn.

Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.

Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

Trích dẫn từ Báo chính phủ

Như vậy, với dịch vụ hành chính công cấp 3, 4 được triển khai, thì người dân hay doanh nghiệp hoàn toàn có thể không cần tới trụ sở cơ quan Bảo hiểm để làm việc mà có thể làm từ xa qua internet.

Đặc biệt, với tâm lý xã hội đang có thói quen hết hạn mới tới cơ quan bảo hiểm làm thủ tục đóng bảo hiểm thường sẽ gây ùn tắc, phải chờ đợi rất lâu. Đây sẽ là thay đổi lớn trong ngành Bảo hiểm xã hội giúp các doanh nghiệp cũng như người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đáng kể.

Sẽ hợp nhất thành 1 cổng thông tin bảo hiểm xã hội điện tử trên cả nước

Hiện các tỉnh/ thành hay quận/ huyện cũng có hệ thống cổng thông tin riêng với các dịch vụ hành chính công với các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, có bấp cập là chi phí vận hành hệ thống phân tán như vậy có thể gây lãng phí cho Nhà nước về cán bộ quản lý cũng như vận hành hệ thống.

Bước xây dựng cổng thông tin điện tử ngành Bảo hiểm xã hội Việt nam sẽ là hướng tới thống nhất 1 cổng thông tin duy nhất, cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó, tích hợp với hệ thống cấp số định danh và quản lý bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình; cung cấp kênh giao diện cho các đơn vị lập danh sách, cơ quan BHXH các cấp, phục vụ các nhiệm vụ cấp bách; tích hợp đầy đủ các dịch vụ công cũng như cơ chế “một cửa” của BHXH Việt Nam trên Cổng Thông tin điện tử, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp…

Trong 9 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành các quyết định hướng dẫn hồ sơ, quy trình nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và Luật BHXH năm 2014, đảm bảo đúng cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Các quyết định trên đều được rà soát, đánh giá tác động theo đúng quy định, theo những tiêu chí của cải cách TTHC như: Sự cần thiết, tính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân và tổ chức thực hiện; sử dụng có hiệu quả những thông tin sẵn có của cá nhân, tổ chức trong hệ thống cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam…

Những tháng cuối năm, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP, BHXH Việt Nam sẽ tập trung rà soát các TTHC để đơn giản hóa, cắt giảm tối đa hồ sơ, quy trình, tiêu thức doanh nghiệp phải kê khai trong các mẫu biểu TTHC ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ; công bố bộ TTHC mới và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cải cách TTHC; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội hoàn thiện dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH trình Chính phủ.

BHXH Việt Nam cũng tiếp tục triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) đã được phê duyệt; chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận hồ sơ của tất cả các lĩnh vực của ngành qua giao dịch điện tử; ban hành Quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về CNTT để đảm bảo thực hiện giao dịch với các cá nhân, tổ chức được nhanh chóng, thuận tiện; xây dựng đề án thành lập Trung tâm Tư vấn và giải đáp dịch vụ khách hàng…

Biên tập từ Báo Thanh tra

Chia sẻ
Share
0966002638